Đối với con cái, cha, mẹ luôn có quyền yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng, có các quyền đại diện, quyền quản lý tài sản riêng của con, quyền định đoạt tài sản của con chưa thành niên, con mất năng lực hành vi dân sự,… Mặc dù các quyền này của cha mẹ là quyền đương nhiên và hiển nhiên nhưng không phải lúc nào cha, mẹ cũng có những quyền này đối với con chưa thành niên. Trên thực tế, có một số trường hợp để bảo vệ con, pháp luật buộc phải đặt ra những quy định để hạn chế quyền của những bậc phụ huynh này nhằm bảo vệ cho sự phát triển tốt nhất của các con.
Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên như sau:
"1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:
a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
b) Phá tán tài sản của con;
c) Có lối sống đồi trụy;
d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này."
Thứ nhất, cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên khi bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con:
Hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm danh dự của con được coi là hành vi nghiêm trọng nhất trong các hành vi mà cha, mẹ có thể bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên. Bởi lẽ đây là hành vi cố ý có tác động rất lớn đến thân thể và tinh thần của con chưa thành niên, ảnh hương rất lớn đến quá trình phát triển của con sau này. Đây là một quyền bất khả xâm phạm của mỗi công dân mà kể cả cha, mẹ của các con cũng không có quyền xâm phạm đến những điều này.
Bên cạnh đó, khi cha mẹ vi phạm nghiêm trọng những nghĩa vụ cơ bản đối với con cái như cha mẹ trốn tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc con, không quan tâm đến cuộc sống của con, không cho con đi học, bắt làm công việc không phù hợp hoặc quá sức lao động của con;… thì cũng sẽ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Thứ hai, phá tán tài sản của con:
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì con có quyền có tài sản riêng và tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Đây sẽ là những tài sản của riêng con mà con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý. Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ…
Bởi lẽ, không ít trường hợp cha, mẹ tự ý sử dụng tài sản riêng của con cho những mục đích xấu, không lành mạnh, không hợp pháp trái với nhu cầu và lợi ích của con gây thất thoát tài sản riêng của con, ảnh hưởng đến lợi ích mà con đáng được hưởng,
Thứ ba, có lối sống đồi trụy:
Lối sống đồi trụy ở đây có thể kể đến như sống buông thả, thiếu lành mạnh; nghiện chất kích thích, ham mê cờ bạc, rượu chè, tàng trữ, mua bán văn hóa phẩm bạo lực, đồi trụ, đua xe, chứa chấp mại dâm... mà con chưa thành niên là con chưa phát triển hoàn toàn về thể chất và tinh thần, chưa có nhận thức đúng đắn nhất về cuộc sống nên rất dễ bị lối sống này của cha mẹ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của các con.
Thứ tư, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội:
Đây là tình trạng xuất hiện rất nhiều trong những năm gần đây, khi cha, mẹ bắt con cái phải bỏ học đi ăn xin, đi bán vé số, lợi dụng con cái để mua bán, vận chuyển chất ma túy, lôi kéo con cái vào hoạt động mại dâm... chính những việc này đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng của bậc làm cha làm mẹ. Vậy nên cần phải hạn chế quyền của cha, mẹ trong những trường hợp này.
Khi có những căn cứ tại các trường hợp này thì Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này để ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm và Tòa án cũng có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này để bảo vệ cho lợi ích của con.