Con dưới 18 tuổi có được chia tài sản khi cha mẹ ly hôn không?

15/50 Đoàn Như Hài, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh
0939 858 898
luatsucncvietnam@gmail.com
Con dưới 18 tuổi có được chia tài sản khi cha mẹ ly hôn không?
Ngày đăng: 11/03/2025

    con-duoi-18-tuoi-co-duoc-chia-tai-san-khi-cha-me-ly-hon-khong

    Khi cha mẹ ly hôn, không chỉ đời sống tình cảm của con cái bị ảnh hưởng mà vấn đề phân chia tài sản cũng là một mối quan tâm quan trọng. Câu hỏi đang được nhiều người đặt ra là “Con dưới 18 tuổi có được chia tài sản khi cha mẹ ly hôn không?”. Trong video này, chúng tôi sẽ phân tích rõ hơn về quyền lợi của con cái trong việc phân chia tài sản khi cha mẹ ly hôn.

     

    con-duoi-18-tuoi-co-duoc-chia-tai-san-khi-cha-me-ly-hon-khong-1

     

    Các vấn đề Tòa án giải quyết khi ly hôn

    Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Theo đó, trong quá trình ly hôn thì sẽ có 04 vấn đề cần giải quyết sau đây:

    (1) Về quan hệ hôn nhân: Theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

    Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được

    Có thể thấy, căn cứ để Tòa án giải quyết ly hôn trong trường hợp ly hôn đơn phương có thể kể đến:

    - Vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình;

    - Vợ hoặc chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng;

    - Vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

    (2) Về tài sản chung:

    Theo khoản 1, Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

    Tài sản chung của vợ chồng được xác định theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 bao gồm:

    - Tài sản do vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân

    - Tài sản được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung

    - Tài sản được hình thành từ nguồn tài sản chung

    - Thu nhập hợp pháp của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

    Nguyên tắc phân chia tài sản chung thường theo tỷ lệ 50/50, tuy nhiên có thể thay đổi dựa trên các yếu tố như: hoàn cảnh gia đình, công sức đóng góp, lỗi của mỗi bên trong việc vi phạm nghĩa vụ vợ chồng, Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập

    (3) Về nợ chung: Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nếu các bên xác định đó là khoản nợ chung của vợ chồng thì vợ chồng đều có nghĩa vụ trả nợ. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác. Do đó, khoản nợ chung có thể được giải quyết bằng một trong hai cách sau:

    Thứ nhất, vợ chồng có thể tự thỏa thuận với nhau về khoản nợ để có phương án giải quyết tốt nhất.

    Thứ hai, trong trường hợp, vợ chồng không thể thỏa thuận được với nhau về vấn đề phân chia nghĩa vụ trả khoản nợ chung, lúc này, vợ/chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết để quyết định phân chia nghĩa vụ trả nợ cho hai vợ chồng, người cho vay sẽ là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án ly hôn theo quy định cuả pháp luật.

    (4) Về con chung:

    Việc ly hôn chỉ làm chấm dứt quan hệ hôn nhân vợ chồng chứ không làm chấm dứt quan hệ cha, mẹ, con giữa vợ chồng và con chung. Do đó, khi cha, mẹ ly hôn thì vấn đề con chung là một trong những vấn đề quan trọng cần xem xét giải quyết. Trong quá trình giải quyết ly hôn pháp luật vẫn đảm bảo quyền lợi của con khi cha, mẹ ly hôn. Do đó, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

    Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi và cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định pháp luật.

     

    con-duoi-18-tuoi-co-duoc-chia-tai-san-khi-cha-me-ly-hon-khong-2

     

    Con dưới 18 tuổi có được chia tài sản khi cha mẹ ly hôn không?

    Theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn phải đảm bảo quyền lợi của con chưa thành niên. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc con cái được trực tiếp chia phần tài sản.

    Các trường hợp con cái được hưởng tài sản:

    - Là đồng sở hữu tài sản với ba mẹ theo giấy tờ pháp lý

    - Được cha mẹ thỏa thuận tự nguyện chia cho

    - Tài sản thuộc quyền thừa kế của con

    - Tài sản được tặng cho riêng con

    Do đó, theo quy định pháp luật thì ngoại trừ các trường hợp trên thì khi cha mẹ ly hôn sẽ không bắt buộc phải chia tài sản cho con cái

    Như đã đề cập ở trên thì cha mẹ ly hôn không bắt buộc phải chia tài sản cho con cái, trừ một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, theo khoản 5, Điều 59, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 khi chia tài sản chung của vợ chồng khi giải quyết ly hôn, Tòa án cần đảm bảo bảo vệ được quyền lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Lưu ý ở đây là khi xét xử tòa án sẽ phải đảm bảo bảo vệ quyền lợi cho con cái dưới 18 tuổi không đồng nghĩa với việc bắt buộc phải chia tài sản cho người dưới 18 tuổi.

    Đối với con dưới 18 tuổi, pháp luật hôn nhân và gia đình có quy định các biện pháp bảo vệ quyền lợi đặc biệt cho con dưới 18 tuổi đó là quy định về cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con như chúng tôi đã phân tích ở trên.

     

    THÔNG TIN LIÊN HỆ

    Sau khi tham khảo bài viết của Luật CNC Việt Nam, Luật sư giỏi Sài Gòn, Luật sư giỏi Thành phố Hồ Chí Minh nếu Quý khách hàng còn vấn đề nào chưa rõ thì hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây để được tư vấn chi tiết hơn. Ngoài ra, nếu khách hàng cần tư vấn về các vấn đề pháp lý khác như xin các loại giấy phép, soạn thảo các loại hợp đồng lao động, dân sự, rà soát hợp đồngsoạn thảo các loại đơn từ, soạn hồ sơ khởi kiện, lập di chúc, khai nhận di sản thừa kế, đăng ký biến động đất đai,… thì cũng đừng ngại liên hệ với Luật sư giỏi Sài Gòn, Luật sư giỏi Thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư giỏi thừa kế nhà đất để được giải đáp mọi thắc mắc.

     

    VĂN PHÒNG GIAO DỊCH CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM

    Văn phòng 1: 15/50 Đoàn Như Hài, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh

    Văn phòng 2: 1084 Lê Văn Lương, Ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh

    Số điện thoại: 0909 642 658 - 0939 858 898 

    Website: luatsugioisaigon.vn

    Email: luatsucncvietnam@gmail.com

    Danh mục bài viết

    Bài viết mới