Hiện nay, với xu thế hội nhập quốc tế, càng nhiều công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tạo thành các cá nhân nhiều quốc tịch, đa văn hóa, trở thành cầu nối giữa văn hóa Việt Nam và các nước trên thế giới. Đồng nghĩa với đó là có nhiều vấn đề, giao dịch xung quanh mối quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài này cần được điều chỉnh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân các nước liên quan.
Khoản 25 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài “là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.”
Điều 121 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài như sau:
“1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được tôn trọng và bảo vệ phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Trong quan hệ hôn nhân và gia đình với công dân Việt Nam, người nước ngoài tại Việt Nam có các quyền, nghĩa vụ như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác.
3. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài trong quan hệ hôn nhân và gia đình phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế.
4. Chính phủ quy định chi tiết việc giải quyết quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên và bảo đảm thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật này.”
Như vậy, ở Việt Nam, các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được pháp luật Việt Nam tôn trọng, bảo vệ và điều chỉnh giống với những quan hệ hôn nhân và gia đình của công dân Việt Nam. Nhưng do tính đặc thù của quan hệ này nên trong một số trường hợp, việc điều chỉnh có sự chặt chẽ hơn theo quy định riêng.
Trong trường hợp Việt Nam ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế về hôn nhân và gia đình thì các quy định trong các điều ước này được ưu tiên áp dụng. Nhà nước Việt Nam không thừa nhận các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nếu các quan hệ đó trái với các nguyên tắc của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam (ví dụ: Pháp luật Việt Nam không cho phép kết hôn giữa những người đồng tính, bởi vậy, quan hệ hôn nhân này không được thừa nhận và bảo hộ tại Việt Nam).
Mặt khác, trong quan hệ hôn nhân giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài thì công dân nước ngoài đều có các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như công dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định liên quan đến chính sách của Đảng, lợi ích của Nhà nước, bảo đảm an ninh quốc gia mà người nước ngoài tại Việt Nam không có quyền sở hữu bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam, đây cũng là một trong những hạn chế quyền của người nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam cũng bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân nước mình ở nước ngoài trong quan hệ hôn nhân và gia đình phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế.