Theo khoản 9 Điều 3 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định gia đình thay thế là “gia đình nhận trẻ em làm con nuôi”. Nuôi con nuôi là quan hệ thể hiện tính nhân đạo sâu sắc và lòng thương yêu đối với người được nhận nuôi. Nên việc lựa chọn một gia đình thay thế phù hợp với người được nhận nuôi cũng rất quan trọng, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ. Chính vì vậy mà pháp luật cũng quy định thứ tự ưu tiên lựa chọn thay thế nhằm có sự cân nhắc.
Điều 5 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế như sau:
“1. Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế được thực hiện quy định sau đây:
a) Cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;
b) Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước;
c) Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam;
d) Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
đ) Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.
2. Trường hợp có nhiều người cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi thì xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất.”
Thứ nhất: Cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi.
Sở dĩ pháp luật quy định những đối tượng trên là ưu tiên số một bởi lẽ cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột là các đối tượng có quan hệ gần gũi va huyết thống với người được nhận làm con nuôi. Yếu tố này là một căn cứ quan trọng nhằm giúp cho người được nhận nuôi có được cảm giác quan tâm, chăm sóc, gần gũi và gắn bó với quê hương, nguồn cội của mình.
Thứ hai: Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước.
Theo Điều 2 Luật cư trú 2020 quy định: Nơi thường trú là “nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú.” Nghĩa là bất kì mọi công dân Việt Nam có nơi cư trú và sinh sống lâu dài ở Việt Nam sẽ được ưu tiên thứ 2 để được nhận một người làm con nuôi.
Thứ ba: Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam.
Theo Luật quốc tịch Việt Nam năm 2014 thì người nước ngoài là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam. Đây là đối tượng được ưu tiên nhận con nuôi thứ 3. Chúng ta có thể thấy pháp luật ưu tiên các trường hợp cá nhân nhận nuôi thường trú ở Việt Nam trước. Bởi lẽ công dân Việt Nam sẽ được bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất khi ở trong lãnh thỗ của Việt Nam.
Thứ tư: Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài là người có quốc tịch Việt Nam đang cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Đây là đối tượng được ưu tiên nhận con nuôi thứ 4.
Thứ năm: Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.
Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài là người mang quốc tịch nước ngoài hoặc không có quốc tịch và cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Trường hợp đặc biệt: Có nhiều người cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi.
Đối với trường hợp này, thì cơ quan nhà nước sẽ tiến hành xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất. Lúc này sẽ căn cứ vào các điều kiện kinh tế, điều kiện xã hội, điều kiện giáo dục, tình yêu thương và có thể ngay cả ý kiến của người nhận nuôi để có thể quyết định người nào được nhận đứa trẻ làm con nuôi.