Kê biên, phong tỏa hơn 389 nghìn tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn

15/50 Đoàn Như Hài, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh
0939 858 898
luatsucncvietnam@gmail.com
Kê biên, phong tỏa hơn 389 nghìn tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn
Ngày đăng: 21/11/2023

          Kê biên, phong tỏa hơn 389 nghìn tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn

          Năm 2023, VKSND tối cao đã tăng cường phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ, tạm dừng giao dịch số tiền hơn 389 nghìn tỷ đồng.

          Sáng 21/11, báo cáo trước Quốc hội về công tác năm 2023, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao Lê Minh Trí cho biết, tình hình tội phạm thời gian qua tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với năm trước.

          Trong đó, đáng lo ngại là xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, như đối tượng thành lập các doanh nghiệp lấy danh nghĩa công ty kinh doanh dịch vụ tài chính, công ty luật, công ty mua bán nợ để thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật. Một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ với tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn đã được phát hiện và khởi tố tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

          Về công tác, Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, từ đầu năm đến nay tập trung công tác kiểm sát điều tra các vụ án tham nhũng, bảo đảm tiến độ và chất lượng điều tra, truy tố theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

          Cùng với đó, tăng cường phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ, tạm dừng giao dịch... được số tiền hơn 389.219 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 82,4%).

          Từ thực tiễn giải quyết một số vụ án hình sự thời gian qua, ông Trí cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc phạm tội là do việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật còn sơ hở, chưa chặt chẽ. Do đó, Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu có cơ chế kiểm soát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật chặt chẽ hơn và xem xét trách nhiệm trong trường hợp ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng.

          Ngoài ra, Viện trưởng VKSND tối cao cũng kiến nghị nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách hình sự xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung.

          Đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát. “Điều này cũng nhằm bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục”, ông Trí nói.

          Trích nguồn: Văn Kiên (2023),kê biên-phong tỏa hơn 389 nghìn tỷ đồng trong vụ án tham nhũng,kinh tế lớn,javascript:void(0);truy cập ngày 21/11/2023.

    Danh mục bài viết

    Bài viết mới