Nữ tài xế gây tai nạn náo loạn ở Vũng Tàu có thể phải đối diện mức phạt nào?
Vụ việc nữ tài xế gây tai nạn giao thông trên đường Nguyễn Văn Trỗi (Phường 4, TP Vũng Tàu) hiện đang được nhiều người quan tâm.
Theo thông tin, vụ tai nạn do tài xế Trần Thị Thu Th (37 tuổi) điều khiển ô tô va chạm 4 xe máy khiến 2 người tử vong, nhiều người bị thương. Kết quả đo nồng độ cồn của Trần Thị Thu Th lần thứ nhất là 0,385mg/L, lần thứ hai là 0,503mg/L. Công an TP. Vũng Tàu đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, củng cố hồ sơ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Th.
Vấn đề pháp lý được nhiều người quan tâm là tài xế này có thể phải đối diện với mức phạt ra sao?
Trao đổi với PLO, Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết trước hết, tài xế điều khiển xe ô tô tham gia giao thông đường bộ mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở là vi phạm quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, điểm a khoản 10 Điều 5 Nghị định 100/2019.
“Trong vụ việc này, tài xế tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về nồng độ cồn, gây hậu quả làm chết 2 người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo điểm đ khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tài xế này có thể đối diện với mức phạt tù từ 3 - 10 năm; bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm (khoản 5 Điều 260 BLHS)”- Luật sư Mạch cho hay.
Cũng theo Luật sư, nếu kết quả giám định cho thấy có gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên, hoặc gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, thì tài xế có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm (khoản 3 Điều 260 BLHS).
Luật sư cũng cho biết thêm, tài xế còn phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng, tổn thất về tinh thần theo quy định tại các Điều 589, 590, 591 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm:
- Thiệt hại do tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của nạn nhân.
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của nạn nhân (nếu thu nhập thực tế của nạn nhân không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại).
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc nạn nhân trong thời gian điều trị; nếu nạn nhân mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc.
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng.
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà nạn nhân tử vong có nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Khoản tổn thất về tinh thần.
Trích nguồn:Thy Nhung(2024),https://baomoi.com/nu-tai-xe-gay-tai-nan-nao-loan-o-vung-tau-co-the-phai-doi-dien-muc-phat-nao-c49499598.epi,nữ tài xế gây tai nạn náo loạn ở Vũng Tàu có thể đối diện mức phạt nào, truy cập ngày 29/06/2024.