Thẻ căn cước gắn chíp có dễ bị xâm nhập, theo dõi không?
Sáng 15-11, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày, qua thảo luận tại Quốc hội, có ý kiến đại biểu Quốc hội, có ý kiến nhất trí sự cần thiết quy định về căn cước điện tử trong dự thảo luật; có ý kiến đề nghị báo cáo thêm về vấn đề bảo mật của thẻ căn cước gắn chip vì dễ bị xâm nhập, theo dõi.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, theo báo cáo của cơ quan soạn thảo, thẻ căn cước hiện nay được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ. Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập và truy xuất dữ liệu.
Bên cạnh đó, để khai thác được các thông tin trong chip phải sử dụng thiết bị chuyên dụng và các thiết bị này phải được Bộ Công an cung cấp mã bảo mật (ISD KEY) để xác thực, bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật thông tin. Trường hợp các cơ quan nhà nước khác cung cấp thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin trong thẻ căn cước thì các thiết bị này đều phải được cơ quan chuyên môn của Bộ Công an kiểm tra và cung cấp mã bảo mật (ISD KEY).
Về cấp giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước, qua thảo luận tại Quốc hội, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu cấp giấy chứng nhận căn cước cho tất cả những người không quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, thực tế, ở Việt Nam có nhiều người có quốc tịch nước ngoài nhưng cố tình giấu hoặc vứt bỏ các giấy tờ chứng minh quốc tịch của mình nhằm mục đích ở lại Việt Nam bất hợp pháp. Nếu mở rộng đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước có thể sẽ có nhiều đối tượng là người không quốc tịch di cư đến Việt Nam để sinh sống, tác động phức tạp đến tình hình an ninh, trật tự ở nước ta.
Do vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không nên mở rộng đối tượng đối với toàn bộ người không quốc tịch.
Thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu cơ bản đánh giá cao Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, giải trình rất hợp lý, đạt được sự đồng thuận cao. Dự thảo luật bảo đảm chất lượng, yêu cầu đặt ra, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua.
* Trước đó, đầu giờ sáng 15-11, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.
Truy cập: Chiến Thắng (2023),Thẻ căn cước gắn chíp có dễ bị xâm nhập,theo dõi không,https://baomoi.com/the-can-cuoc-gan-chip-co-de-bi-xam-nhap-theo-doi-khong-c47532955.epi,truy cập ngày:15/11/2023.