Khi một người thân trong gia đình qua đời, không nhất thiết những người thừa kế phải phân chia di sản thừa kế ngay. Để quản lý di sản trong thời gian chưa chia, vấn đề quản lý di sản đã được pháp luật dự liệu.
“Điều 616. Người quản lý di sản
1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.
2. Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
3. Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.”
Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc, nếu không có chỉ định thì sẽ do những người thừa kế với tư cách là chủ sở hữu chung di sản thừa kế cùng nhau thoả thuận cử người quản lý di sản. Trong trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa chỉ định người quản lý di sản, thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
Đối với người đã có vợ hoặc chồng chết, xuất phát từ quy định tài sản làm ra trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau: “Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.”
Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.