Hành vi vi phạm về sinh con bằng ký thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai sẽ bị xử lý như thế nào?

15/50 Đoàn Như Hài, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh
0939 858 898
luatsucncvietnam@gmail.com
Hành vi vi phạm về sinh con bằng ký thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai sẽ bị xử lý như thế nào?
Ngày đăng: 04/08/2023

           Vi phạm về pháp luật thì đương nhiên sẽ bị xử lý để bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại và để bên còn lại có trách nhiệm và nghĩa vụ hơn, làm đúng với những thỏa thuận đã cam kết… Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về điều kiện, quyền và nghĩa vụ của đôi bên cũng như sự hướng dẫn của các bác sĩ, bệnh viện, quy trình của các cơ sở y tế có thẩm quyền. Vì đây là việc có liên quan đến sức khỏe thậm chí là mạng sống của một số người liên quan.

          Điều 100 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định xử lý hành vi vi phạm về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ như sau:

          “Các bên trong quan hệ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vi phạm điều kiện, quyền, nghĩa vụ được quy định tại Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự.”

    1. Xử lý theo trách nhiệm dân sự:

    Đây là một giao dịch dân sự và giao dịch dân sự thì phải thực hiện theo những gì mà hai bên đã cam kết, phải tuân theo những cam kết đã thỏa thuận, nên khi có vi phạm xảy ra, để bảo vệ quyền dân sự, chúng ta có thể áp dụng các biện pháp như buộc chấm dứt hành vi xâm phạm, buộc thực hiện nghĩa vụ, buộc bổi thường thiệt hại (vật chất, tinh thần)… theo Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015.

         Theo quy định Điều 13 Bộ luật dân sự năm 2015 “cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

          Điều 360 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ “trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

           2. Xử lý theo trách nhiệm hành chính:

            Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cấm sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính (điểm g khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014). Chính vì vậy nên mọi hành vi vi phạm quy định về sinh con sẽ xử lý vi phạm hành chính theo Điều 60 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã của Chính phủ như sau:

          Điều 60. Hành vi vi phạm quy định về sinh con

          “1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại.

          2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

         Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.”

            3. Xử lý theo trách nhiệm hình sự:

           Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 quy định về Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại:

          Điều 187. Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

           “1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

          2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

           a) Đối với 02 người trở lên;

           b) Phạm tội 02 lần trở lên;

          c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

          d) Tái phạm nguy hiểm.

          3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

          Việc quy định nội dung và mức hình phạt như vậy để xử lý nghiêm các hành vi tổ chức, thực hiện mang thai hộ vì mục đích thương mại, nếu như không ngăn chặn không xử lý thì việc làm này sẽ gây mất ổn định xã hội, vi phạm đạo đức, vì tiền để trục lợi và nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật khác.

    Danh mục bài viết

    Bài viết mới