Hợp pháp hóa lãnh sự là một công việc cần thiết và quan trọng khi các cá nhân muốn được sử dụng các giấy tờ liên quan đến hôn nhân và gia đình được đăng ký ở nước ngoài tại Việt Nam thì cần phải được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để các giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam một cách hợp pháp.
Theo Điều 124 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu về hôn nhân và gia đình
“Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận để sử dụng giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.”
Cũng giống như Việt Nam, giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền lập, cấp, xác nhận chỉ có giá trị trong lãnh thổ Việt Nam theo nguyên tắc lãnh thổ, ra ngoài lãnh thổ Việt Nam những giấy tờ này cần phải được hợp pháp hóa mới được sử dụng cho mục đích cá nhân.
Đồng thời, trong trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài có điều ước quốc tế hoặc áp dụng nguyên tắc có đi có lại thì được miễn hợp pháp hóa lãnh sự. Nghĩa là các giấy tờ, tài liệu của nước ngoài được miễn hợp pháp hóa theo hình thức không qua xác nhận, giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận sẽ đương nhiên có giá trị tại Việt Nam nếu Việt Nam và nước này có ký kết với nhau các Điều ước quốc tế.