Như chúng ta đã biết, người lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội khi đi làm ở tại các đơn vị doanh nghiệp. Trong đó, chế độ thai sản là một trong các chế độ đặc biệt của người lao động nam và nữ khi sinh con. Theo đó, khi sinh con người lao động nữ phải nghỉ làm nên sẽ không có thu nhập, nhưng nhu cầu chi tiêu thì tăng. Vậy nên, khoản tiền thai sản sẽ phần nào giúp cho người lao động ổn định cuộc sống trong thời gian sinh em bé. Và câu hỏi đặt ra là, có thai rồi mới đóng bảo hiểm xã hội, thì có được hưởng chế độ thai sản không? Để làm rõ vấn đề trên, kính mời anh/chị và các bạn cùng theo dõi bài viết bên dưới của chúng tôi nhé.
Điều kiện để hưởng chế độ thai sản dành cho nữ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:
“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.”
Như vậy, theo căn cứ trên, lao động nữ hưởng chế độ thai sản phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội đủ từ 06 tháng bảo hiểm trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
– Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Đang mang thai có được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để huởng chế độ thai sản?
Theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, lao động nữ mang thai cũng sẽ được tham gia BHXH bắt buộc nếu làm việc theo hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên.
Và như vậy, người lao động sẽ được hưởng các chế độ của BHXH, trong đó có chế độ thai sản. Tuy nhiên, để được hưởng chế độ thai sản, lao động nữ sinh con phải đảm bảo điều kiện tại Điều 31 Luật BHXH năm 2014.
Như vậy, dựa vào quy định trên, người lao động mang thai vẫn tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và đủ điều kiện thời gian đóng bảo hiểm tối thiều 06 tháng trở lên trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh như phân tích ở trên vẫn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản bình thường.
Thời gian mang thai của phụ nữ thường rơi vào là 09 tháng. Thực tế có trường hợp có người sẽ sinh sớm hơn thời gian trên. Do vậy, người lao động phải xem xét kĩ thời gian bắt đầu mình mang thai để kịp thời tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tối thiểu 06 tháng để đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Có những trường hợp đóng đủ 06 tháng bảo hiểm xã hội rất dễ sẽ bị cơ quan bảo hiểm xã hội thanh tra do có sự nghi ngờ về việc trục lợi tiền bảo hiểm xã hội. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi tốt nhất của mình, người lao động nữ phải xem xét kĩ tình hình để cân nhắc thời gian đóng bảo hiểm càng sớm càng tốt để đủ thời gian đóng hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Phát hiện mang thai cần sớm đóng BHXH để kịp hưởng thai sản:
Lao động nữ có thai rồi mới tham gia BHXH chỉ cần đóng từ đủ 06 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con thì sẽ được hưởng chế độ thai sản như quy định trên.
Thời gian mang thai của phụ nữ thường kéo dài khoảng 09 tháng, một vài trường hợp lao động nữ còn bị sinh sớm nên thời gian này có thể ngắn hơn.
Cùng với đó, không phải ai cũng phát hiện sớm về việc mình mang thai. Bởi vậy, thời gian từ lúc phát hiện mang thai đến lúc sinh con có thể sẽ ngắn hơn 09 tháng rất nhiều.
Do đó, lao động nữ khi phát hiện mình có thai cần sớm tham gia BHXH bắt buộc để kịp đóng đủ 06 tháng trở lên trước khi sinh con.
Bởi trên thực tế, trường hợp đủ 06 tháng đóng BHXH rất dễ bị cơ quan BHXH thanh tra do nghi ngờ trục lợi tiền BHXH.
Vì vậy, để được đảm bảo giải quyết chế độ thai sản, lao động nữ đã mang bầu cần đóng BHXH càng sớm càng tốt để có nhiều thời gian đóng BHXH.
Quyền lợi chế độ thai sản dành cho lao động nữ năm 2024:
Căn cứ Luật BHXH năm 2014, lao động nữ sinh con sẽ được hưởng các quyền sau:
Được nghỉ làm hưởng chế độ thai sản:
Theo khoản 1 Điều 34 Luật BHXH năm 2014, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Trong đó, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Trợ cấp 01 lần khi sinh con
Theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi sẽ được hưởng tiền trợ cấp 1 lần như sau:
Trợ cấp một lần/con = 2 x Mức lương cơ sở
Từ 01/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng. Do đó, mức trợ cấp một lần khi sinh con là: 2,34 triệu đồng x 2 = 4,68 triệu đồng.
Tiền chế độ thai sản
- Tiền trợ cấp thai sản khi lao động nữ sinh con:
Theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
Mức hưởng = 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ x 6 tháng
Trường hợp chưa đóng đủ 06 tháng thì mức hưởng được tính theo mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng.
- Tiền trợ cấp trong các trường hợp khác:
Mức hưởng = Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ : 24 x Số ngày nghỉ
Trình tự thủ tục hưởng chế độ thai sản:
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ:
Theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 và Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021, tùy từng trường hợp hưởng chế độ thai sản mà hồ sơ cần chuẩn bị sẽ là khác nhau. Cụ thể:
Lao động nữ sinh con:
- Bản sao Giấy khai sinh hoặc Trích lục khai sinh hoặc bản sao Giấy chứng sinh của con.
- Trường hợp con chết sau khi sinh: Bản sao Giấy khai sinh hoặc Trích lục khai sinh hoặc bản sao Giấy chứng sinh của con, bản sao Giấy chứng tử hoặc Trích lục khai tử hoặc bản sao Giấy báo tử của con; nếu chưa được cấp Giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc Giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.
- Trường hợp người mẹ hoặc lao động nữ mang thai hộ chết sau khi sinh con: Có thêm bản sao Giấy chứng tử hoặc Trích lục khai tử của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ.
- Trường hợp người mẹ sau khi sinh hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ sau khi nhận con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con: Có thêm Biên bản GĐYK của người mẹ, người mẹ nhờ mang thai hộ.
- Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai: Có thêm một trong các giấy tờ sau:
Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao Giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.
Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.
Trường hợp phải giám định y khoa: Biên bản giám định y khoa.
- Trường hợp lao động nữ mang thai hộ sinh con hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ nhận con: Có thêm bản sao bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.
Bước 2. Người lao động nộp hồ sơ:
- Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản nêu trên cho người sử dụng lao động.
- Trường hợp thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ BHXH cho cơ quan BHXH.
Bước 3. Người sử dụng lao động lập hồ sơ:
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ (bao gồm hồ sơ của người lao động và Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản) nộp cho cơ quan BHXH.
Bước 4. Cơ quan BHXH giải quyết hồ sơ:
Cơ quan BHXH chi trả tiền thai sản cho người lao động trong vòng:
- 06 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động;
- 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động thôi việc trước khi sinh, nhận con nuôi.
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Sau khi tham khảo bài viết của Luật CNC Việt Nam, Luật sư giỏi Sài Gòn, Luật sư giỏi Thành phố Hồ Chí Minh nếu Quý khách hàng còn vấn đề nào chưa rõ thì hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây để được tư vấn chi tiết hơn. Ngoài ra, nếu khách hàng cần tư vấn về các vấn đề pháp lý khác như xin các loại giấy phép, soạn thảo các loại hợp đồng lao động, dân sự, rà soát hợp đồng, soạn thảo các loại đơn từ, soạn hồ sơ khởi kiện, lập di chúc, khai nhận di sản thừa kế, đăng ký biến động đất đai,… thì cũng đừng ngại liên hệ với Luật sư giỏi Sài Gòn, Luật sư giỏi Thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư giỏi thừa kế nhà đất để được giải đáp mọi thắc mắc.
VĂN PHÒNG GIAO DỊCH CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM
Văn phòng 1: 15/50 Đoàn Như Hài, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh
Văn phòng 2: 1084 Lê Văn Lương, Ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh
Số điện thoại: 0909 642 658 - 0939 858 898
Website: luatsugioisaigon.vn
Email: luatsucncvietnam@gmail.com