9 điểm mới nổi bật của Bộ luật Lao động năm 2019

15/50 Đoàn Như Hài, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh
0939 858 898
luatsucncvietnam@gmail.com
9 điểm mới nổi bật của Bộ luật Lao động năm 2019
Ngày đăng: 03/08/2023

          Bộ luật Lao động năm 2019 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 mang những thay đổi tích cực, phù hợp với tình hình thực tế, hài hòa hơn lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động. Chẳng hạn:

    Thứ nhất, mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh

    Thứ hai, không còn hợp đồng lao động theo mùa vụ

    Thứ ba, ghi nhận hình thức lao động là hợp đồng điện tử

    Thứ tư, người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do

    Thứ năm, thêm 03 trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động

    Thứ sáu, người lao động có thể được “thưởng” không chỉ bằng tiền

    Thứ bảy, không thử việc với Hợp đồng lao động dưới 01 tháng

    Thứ tám, sử dụng dưới 10 lao động phải có nội quy lao động

    Thứ chín, thay đổi khái niệm “Kỷ luật lao động”

         Để người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan quản lý nhà nước có thể cập nhật những điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019 một cách chính xác và kịp thời thì Công ty Luật Đại Trí xin đưa ra 09 điểm mới nổi bật nhất, cụ thể như sau:

          Thứ nhất, mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh

         Khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau: “Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.”

         Điều đó cho thấy Bộ luật Lao động năm 2019 đã ghi nhận thêm các quan hệ lao động trên thực tế mà không phụ thuộc vào hình thức thể hiện của Hợp đồng lao động. Như vậy không phải chỉ có những quan hệ xác lập bằng hợp đồng lao động thì mới hình thành quan hệ lao động mà bất cứ quan hệ nào thỏa mãn 3 yếu tố: (1) Các bên có thỏa thuận(2) Có trả tiền công, tiền lương(3) Chịu sự giám sát điều hành của một bên thì sẽ hình thành quan hệ lao động.

         Thứ hai, không còn hợp đồng lao động theo mùa vụ

         Bộ luật lao động năm 2019 chỉ còn quy định hai loại hợp đồng lao động là: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn và  hợp đồng lao động xác định thời hạn. Bộ luật mới đã bỏ loại hợp đồng theo thời vụ, theo một công việc nhất định, tạm thời. Việc chỉ quy định hai loại hợp đồng như hiện nay giúp đơn giản hóa các loại hợp đồng, giúp người sử dụng lao động và người lao động dễ dàng trong việc xác định loại hợp đồng lao động, xác định quyền và nghĩa vụ của các bên đối với nhau và đối với cơ quan nhà nước. Đồng thời quy định này được đánh giá là một bước tiến lớn của pháp luật lao động nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích cho người lao động, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động lợi dụng việc ký hợp đồng theo mùa vụ, hợp đồng cộng tác viên để không phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

          Thứ ba, ghi nhận hình thức lao động là hợp đồng điện tử

         Tại Khoản 1 Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau: “Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.”

          Việc mở rộng thêm hình thức của Hợp đồng lao động như trên là phù hợp với sự phát triển của xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động và người lao động có thể dễ dàng lựa chọn hình thức giao kết hợp đồng trong thời buổi mà công nghệ phát triển như hiện nay.

          Thứ tư, người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do

          Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần đáp ứng hai điều kiện như Bộ luật Lao động năm 2012 bao gồm: (1) có lý do và (2) đáp ứng đủ thời gian báo trước. Căn cứ theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động khi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chỉ cần báo trước theo đúng quy định của pháp luật như sau:

         – Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

        – Ít nhất 30 ngày nếu làm theo hợp đồng xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

        – Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

        Thậm chí, trong một số trường hợp, người lao động còn được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước, như:

         – Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận;
         – Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn;
        – Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
        – Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
        – Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc;
        – Đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
       – Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động

         Thứ năm, thêm 03 trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động

         Tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung thêm 03 trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động như sau:

         “đ) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

          e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

         g) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.”

         Việc Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung thêm 03 trường hợp như đã nêu ở trên làm căn cứ để người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động là nhằm cân bằng quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, đảm bảo quyền và và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động.

          Thứ sáu, người lao động có thể được “thưởng” không chỉ bằng tiền

    Tại Điều 67 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về thưởng không còn sử dụng từ “tiền thưởng” mà thay vào đó là từ “thưởng”.

    Tại Khoản 1 Điều 104 Bộ Luật này cũng quy định: “Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.”

         Như vậy có thể hiểu “thưởng” theo Bộ luật Lao động năm 2012 không chỉ là thưởng bằng tiền mà còn có thể là tài sản hoặc là theo bất kỳ hình thức nào khác tùy theo kết quả kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

         Thứ bảy, không thử việc với Hợp đồng lao động dưới 01 tháng

         Việc quy định không thử việc với Hợp đồng lao động dưới 01 tháng là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với tình hình thực tế bởi công việc có thời hạn dưới 01 tháng thường là những công việc mang tính chất tạm thời, có thời hạn ngắn có thể chỉ là làm trong một, hai tuần, nếu còn áp dụng thử việc thì sẽ không đảm bảo lợi ích cho người lao động vì tiền lương trong thời hạn thử việc thường sẽ thấp hơn mức tiền lương trong hợp đồng chính thức.

          Thứ tám, sử dụng dưới 10 lao động phải có nội quy lao động

         Điều 118 Bộ luật lao động năm 2019 quy định như sau: “Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản”.

          Trước đây Bộ luật Lao động năm 2012 không bắt buộc người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 lao động phải có nội quy lao động nhưng đến Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động dưới 10 người hay từ 10 người trở lên đều phải ban hành nội quy lao động, đối với người sử dụng lao động từ 10 người trở lên thì bắt buộc nội quy lao động phải bằng văn bản, tức người sử dụng lao động dưới 10 người cũng phải ban hành nội quy lao động, tuy nhiên nội quy lao động có thể ban hành dưới bất kỳ hình thức nào và không nhất thiết phải bằng văn bản.

         Thứ chín, thay đổi khái niệm “Kỷ luật lao động”

        Điều 117 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định”

         Như vậy kỷ luật lao động theo Bộ luật lao động năm 2019 không chỉ giới hạn ở các quy định của nội quy lao động mà còn mở rộng ra các quy định của pháp luật.

    Danh mục bài viết

    Bài viết mới