Các điều kiện thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp

15/50 Đoàn Như Hài, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh
0939 858 898
luatsucncvietnam@gmail.com
Các điều kiện thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp
Ngày đăng: 04/08/2023

           Căn cứ theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, một doanh nghiệp được xem là thành lập hợp pháp cần đáp ứng các điều kiện sau đây:

           – Điều kiện về chủ thể doanh nghiệp

           – Điều kiện về ngành nghề kinh doanh

           – Điều kiện về vốn

          – Một số điều kiện khác

          Điều kiện về chủ thể doanh nghiệp

         a) Điều kiện chung: Điều 17 LDN 2020

         – Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ những trường hợp sau đây:

         + Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

          + Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

         + Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

         + Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

        + Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

         + Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

          – Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:

          + Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

         + Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.

          b) Điều kiện riêng

          Tùy theo các loại hình mà các chủ đầu tư lựa chọn thì điều kiện về số lượng thành viên sẽ khác nhau như:

           – Công ty TNHH 1 thành viên được thành lập bởi chủ sở hữu là một cá nhân hoặc một tổ chức.

            – Công ty TNHH 2 thành viên trở lên được thành lập bởi tối thiểu là 2 thành viên và tối đa là 50 thành viên.

            – Công ty Cổ phần được thành lập bởi tối thiểu 3 cổ đông sáng lập.

            – Doanh nghiệp tư nhân được thành lập bởi một cá nhân.

          – Công ty Hợp danh được thành lập bởi ít nhất là 2 thành viên hợp danh (có thể có thành viên góp vốn).

           Điều kiện về ngành nghề kinh doanh

          Hiện nay, tùy vào từng loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh đòi hỏi các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện đặc thù về (I) Ngành nghề kinh doanh có điều kiện; (II) Ngành nghề kinh doanh có vốn pháp định; (III) Ngành nghề kinh doanh có chứng chỉ hành nghề.

           a) Ngành nghề kinh doanh có điều kiện

          Đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì tùy từng ngành, nghề kinh doanh mà doanh nghiệp phải:

          – Xin giấy phép kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho ngành nghề kinh doanh đó;

         – Đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; quy định về phòng cháy, chữa cháy, trật tự xã hội, an toàn giao thông và quy định về các yêu cầu khác đối với hoạt động kinh doanh tại thời điểm thành lập và trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

          b) Ngành nghề kinh doanh có vốn pháp định

         Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp. Đối với ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định, các nhà đầu tư phải chuẩn bị văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

          c) Ngành nghề kinh doanh có chứng chỉ hành nghề

         Đối với ngành nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề thì tùy theo từng loại hình doanh nghiệp mà chủ sở hữu hoặc người quản lý doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề.

          Điều kiện về vốn

           – Đối với ngành nghề kinh doanh pháp luật có quy định về mức vốn pháp định thì khi thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực đó, các chủ thể phải đảm bảo được yêu cầu về vốn pháp định. Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có khi thành lập doanh nghiệp.

          – Đối với những ngành nghề pháp luật không có quy định về mức vốn pháp định thì khi thành lập doanh nghiệp các chủ thể chỉ cần đảm bảo vốn điều lệ của doanh nghiệp khi đăng kí thành lập. Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.

         Một số điều kiện khác

         a) Điều kiện về tên Doanh nghiệp
           – Tên doanh nghiệp phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

         – Tên loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân;

          – Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

          – Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.

          – Không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

         – Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

          b) Điều kiện về trụ sở

          Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp; phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên phố (ngõ phố) hoặc tên xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

          c) Điều kiện về con dấu

           Doanh nghiệp sau khi thành lập cần thông báo mẫu dấu công ty lên cổng thông tin quốc gia về ĐKDN. Hình thức và số lượng con dấu tùy nhu cầu của doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo chính xác tên doanh nghiệp và mã số thuế.

    Danh mục bài viết

    Bài viết mới