Cùng với việc thực hiện những nghĩa vụ theo quy định tại Điều 617 Bộ luật dân sự 2015, Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định các quyền của người quản lý di sản tại Điều 618.
“Điều 618. Quyền của người quản lý di sản
1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:
a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;
b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:
a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;
b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
3. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.”
Qua đó, người quản lý di sản có quyền đại diện cho những người thừa kế trong mối quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế. Đồng nghĩa với việc người quản lý di sản có quyền thực hiện những giao dịch dân sự dựa trên cơ sở ý nguyện của người để lại di sản hoặc trên cơ sở thoả thuận của những người thừa kế.
Đồng thời, người quản lý di sản cũng có quyền được hưởng thù lao nếu người lập di chục chỉ rõ khoản thù lao này, hoặc những người thừa kế thoả thuận về việc trả thù lao cho người quản lý di sản.
Ngoài ra, người quản lý di sản có quyền yêu cầu những người thừa kế thanh toán phần chi phí thực tế mà mình đã bỏ ra để bảo quản di sản.