Di chúc là sự thể hiện ý chí cá nhân về việc định đoạt tài sản của người để lại di sản cho người thừa kế sau khi chết. Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định việc này phải được thể hiện dưới dạng văn bản, trong trường hợp cá nhân lập di chúc miệng thì sau đó người làm chứng vẫn phải ghi chép lại ý chí này dưới dạng văn bản. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, việc bảo quản, giữ gìn di chúc có thể không tốt, dẫn đến việc di chúc bị thất lạc hoặc hư hại. Dự liệu được vấn đề, Bộ luật dân sự năm 2015 đã có quy định về Di chúc bị thất lạc, hư hại để giải quyết sự việc này.
"Điều 642. Di chúc bị thất lạc, hư hại
1. Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.
2. Trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.
3. Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu."
Theo quy định trên, trường hợp người để lại di sản thừa kế đã lập di chúc nhưng kể từ thời điểm mở thừa kế di chúc bị thất lạc, bị hư hại thì việc phân chia di sản thừa kế sẽ được giải quyết như sau:
- Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật. Như vậy có nghĩa rằng, nếu có căn cứ chứng minh được di chúc có tồn tại trên thực tế, chưa bị hư hại đến mức không thể hiện được ý nguyện của người lập di chúc và nội dung của di chúc là ý chí đích thực của người lập di chúc thì di sản sẽ được áp dụng các quy định để chia theo thừa kế theo di chúc.
- Trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc. Thể hiện sự tôn trọng của pháp luật đối với ý chí của người lập di chúc.
- Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu. Quy định này của pháp luật là nhằm bảo đảm tính ổn định dân sự, tránh tốn kém mất thời gian cho những người có liên quan. Bởi vì di sản đã chia theo pháp luật, mặc dù có thể không đúng với ý chí đích thực của người để lại di sản, nhưng những người thừa kế không có ý kiến, đòi hỏi gì thì không cần thiết phải tiến hành chia lại di sản một lần nữa.
Tóm lại, trong thực tế có rất nhiều tình huống có thể xảy ra dẫn đến di chúc bị thất lạc, hư hại. Điều này dẫn đến các tranh chấp, mâu thuẫn của những người thừa kế xảy ra. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người có liên quan, pháp luật vẫn cho phép áp dụng các quy định về thừa kế theo di chúc nếu chứng minh được nó là ý chí đích thực của người để lại di sản. Quy định pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về việc chứng minh này được thực hiện như nào. Do vậy nên chúng ta có thể sử dụng mọi phương tiện để chứng minh ý chí đích thực của người để lại di sản.