Như chúng ta đã biết, giá đất hiện nay không ngừng tăng, điều đó kéo theo những tranh chấp, mâu thuẫn về đất đai diễn ra ngày càng phổ biến. Và tranh chấp đất đai càng phức tạp hơn, nếu không có Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ nào về quyền sử dụng đất. Nhưng dù là đất đã có sổ đỏ hay chưa có sổ đỏ thì mọi tranh chấp về đất đai đều phải tuân theo quy định của pháp luật. Vậy “Tranh chấp đất đai là gì? Tranh chấp đất đai không có sổ đỏ thì cơ quan nào giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành?”. Để giải đáp thắc mắc trên, kính mời anh/chị và các bạn cùng theo dõi bài viết bên dưới của chúng tôi nhé.
Tranh chấp đất đai không có sổ đỏ thì Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết:
Căn cứ tại khoản 2 Điều 236 Luật Đất đai 2024 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
“2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này thì các bên tranh chấp được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a. Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”
Như vậy, trường hợp tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy tờ nêu trên thì các bên tranh chấp được lựa chọn một trong các hình thức giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
(1) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền. Cụ thể:
- Tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: trong trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
- Tại Ủy ban nhân dân cấp huyện: trong trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau
(2) Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Đối với tranh chấp đất đai không có sổ đỏ, người có tranh chấp cũng có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Quy định về quy trình và thủ tục tố tụng dân sự liên quan đến việc khởi kiện tranh chấp đất đai sẽ được áp dụng trong trường hợp này. Việc khởi kiện tại Tòa án nhân dân cho phép các bên liên quan trình bày và chứng minh lập luận pháp lý và bằng chứng về quyền sở hữu, sử dụng đất đai của mình để tìm kiếm sự công bằng và giải quyết tranh chấp một cách chính đáng.
Như vậy, Tòa án và Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai khi không có sổ đỏ nếu các bên tranh chấp lựa chọn khởi kiện tại Tòa án hoặc tại Ủy ban nhân dân.
Tranh chấp đất đai không có Sổ đỏ, có bắt buộc phải hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất trước khi khởi kiện hay không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024 có quy định như sau:
“2. Trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 236 của Luật này, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp....”.
Như vậy, theo quy định trên, thì trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 236 Luật Đất đai 2024, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp. Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp được thực hiện như sau:
- Sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai;
- Thành phần Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, công chức làm công tác địa chính, người sinh sống lâu năm biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất tranh chấp (nếu có).
Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện tổ chức, cá nhân khác tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;
- Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai;
- Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tham gia hòa giải và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp;
- Trường hợp hòa giải không thành mà một hoặc các bên tranh chấp không ký vào biên bản thì Chủ tịch Hội đồng, các thành viên tham gia hòa giải phải ký vào biên bản, đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã và gửi cho các bên tranh chấp.
Trình tự thủ tục khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai không có Sổ đỏ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền được thực hiện như thế nào:
Trường hợp các bên đã hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nhưng không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo. Và để khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân, cần thực hiện theo trình tự thủ tục sau:
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai không có Giấy tờ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền, cần chuẩn bị các tài liệu sau:
- Đơn khởi kiện theo mẫu số 23-DS theo Nghị quyết số 01/2017/nghị quyết-hội đồng thẩm phán (anh/chị và các bạn có thể tải mẫu đơn tại đây).
- Biên bản hòa giải không thành có chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã và có chữ ký của các bên tranh chấp.
- Giấy tờ của người khởi kiện: căn cước công dân/ chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
Bước 2. Nộp đơn khởi kiện:
- Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất đang tranh chấp.
- Hình thức nộp đơn: Người khởi kiện nộp đơn bằng một trong các hình thức sau:
+ Nộp trực tiếp tại Tòa án;
+ Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
+ Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Bước 3. Nhận đơn, xử lý đơn, thụ lý đơn:
- Nhận và xử lý đơn khởi kiện:
Căn cứ Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và ra một trong các quyết định sau:
+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
+ Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn;
+ Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
+ Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
- Thụ lý đơn khởi kiện
Theo Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
+ Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí.
+ Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
+ Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
+ Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Bước 4. Chuẩn bị xét xử và xét xử:
Căn cứ theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án tranh chấp đất đai là 4 tháng, vụ việc phức tạp được gia hạn không quá 2 tháng (tổng 6 tháng); nếu không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử.
Sau khi có bản án sơ thẩm các bên tranh chấp có quyền kháng cáo nếu có căn cứ theo quy định.
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Sau khi tham khảo bài viết của Luật CNC Việt Nam, Luật sư giỏi Sài Gòn, Luật sư giỏi Thành phố Hồ Chí Minh nếu Quý khách hàng còn vấn đề nào chưa rõ thì hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây để được tư vấn chi tiết hơn. Ngoài ra, nếu khách hàng cần tư vấn về các vấn đề pháp lý khác như xin các loại giấy phép, soạn thảo các loại hợp đồng lao động, dân sự, rà soát hợp đồng, soạn thảo các loại đơn từ, soạn hồ sơ khởi kiện, lập di chúc, khai nhận di sản thừa kế, đăng ký biến động đất đai,… thì cũng đừng ngại liên hệ với Luật sư giỏi Sài Gòn, Luật sư giỏi Thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư giỏi thừa kế nhà đất để được giải đáp mọi thắc mắc.
VĂN PHÒNG GIAO DỊCH CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM
Văn phòng 1: 15/50 Đoàn Như Hài, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh
Văn phòng 2: 1084 Lê Văn Lương, Ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh
Số điện thoại: 0909 642 658 - 0939 858 898
Website: luatsugioisaigon.vn
Email: luatsucncvietnam@gmail.com