Trình tự, thủ tục khởi kiện phân chia di sản thừa kế nhà đất mới nhất năm 2025?

15/50 Đoàn Như Hài, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh
0939 858 898
luatsucncvietnam@gmail.com
Trình tự, thủ tục khởi kiện phân chia di sản thừa kế nhà đất mới nhất năm 2025?
Ngày đăng: 22/10/2024

    Tranh chấp phân chia di sản thừa kế là một tranh chấp diễn ra phổ biến nhất. Tranh chấp thừa kế về đất đai thường xảy ra chủ yếu với những người có quan hệ thân thích, để giải quyết tranh chấp trên cần phải trải qua nhiều giai đoạn với nhiều thủ tục phức tạp. Và câu hỏi đặt ra là: “Trình tự thủ tục khởi kiện phân chia di sản thừa kế năm 2024 được thực hiện như thế nào?”. Để giải đáp thắc mắc trên, kính mời anh/chị và các bạn cùng tìm hiểu bài viết bên dưới của Luật sư giỏi Sài Gòn, Luật sư giỏi Thành phố Hồ Chí Minh.

    trinh tu thu tuc khoi kien phan chia di san thua ke 2024 - luatsugioisaigon

    Tranh chấp thừa kế về đất đai là gì?

    Tranh chấp thừa kế về quyền sử dụng đất vẫn luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm và diễn ra sôi nổi. Thừa kế quyền sử dụng đất được hiểu là việc chuyển dịch quyền sử dụng đất của cha mẹ hoặc ông bà khi mất để lại cho con cháu theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật.

    Theo đó, tranh chấp thừa kế về quyền sử dụng đất là những mâu thuẫn xung đột về quyền và lợi ích của những người được nhận thừa kế liên quan đến quyền sử dụng đất. Hiện nay, tranh chấp thừa kế về quyền sử dụng đất rất đa dạng, như:

    • Xác định quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác
    • Yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại
    • Tranh chấp thừa kế về quyền sử dụng đất trong đó yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

    Thời hiệu khởi kiện về chia thừa kế nhà đất:

    Căn cứ theo Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về thời hiệu khởi kiện phân chia di sản thừa kế, cụ thể như sau:

    Điều 623. Thời hiệu thừa kế

    1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

    a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

    b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

    2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

    3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”

    Điều đó có nghĩa là, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản thừa kế đối với bất động sản là 30 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, tức là từ thời điểm người để lại di sản chết. Nếu hết thời hạn nên trên, thì di sản thừa kế thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

    Bên cạnh đó, thời gian sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện.

    Ngoài ra, theo Hướng dẫn số 24/HD-VKSTC ngày 12/5/2021, có một số trường hợp về thời hiệu khởi kiện cần nắm rõ như sau:

    - Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990, cụ thể: Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản được tính từ ngày 10/9/1990.

    - Trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1991 mà không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia và di sản thừa kế là nhà ở thì thời hiệu khởi kiện được xác định theo quy định tại Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10. Theo đó, thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện (theo khoản 2 Điều 17 Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10).

    - Trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia và di sản thừa kế là nhà ở thì thời hiệu khởi kiện được xác định theo quy định tại Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11. Theo đó, thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/9/2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện (theo khoản 2 Điều 39 Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11).

    Tranh chấp thừa kế nhà đất có bắt buộc hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã hay không?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024 có quy định về các tranh chấp bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã là các tranh chấp đất đai (tức là tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất). Còn tranh chấp phân chia di sản thừa kế là một loại tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất thì không phải bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã.

    Trình tự, thủ tục khởi kiện phân chia di sản thừa kế đất đai:

    trinh tu thu tuc khoi kien phan chia di san thua ke 2024 - luatsugioisaigon -2

    Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện:

    Căn cứ theo Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, người khởi kiện chuẩn bị 01 bộ hồ sơ để khởi kiện phân chia di sản thừa kế bao gồm:

    - Đơn khởi kiện theo mẫu. (Mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/ 2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)

    - Giấy tờ tùy thân (Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu).

    - Tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

    Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

    Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

    Bước 2. Nộp đơn khởi kiện:

    Người khởi kiện có thể nộp đơn thông qua các hình thức sau:

    - Nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền

    - Nộp qua đường bưu chính (gửi bưu điện) đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền

    - Nộp trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có)

    Bước 3. Tiếp nhận và thụ lý đơn khởi kiện:

    Thẩm phán dự tính tiền tạm ứng án phí phải nộp, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa thì người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án dân sự (xem trong giấy báo nếu có), sau khi nộp xong thì nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.

    Sau khi nhận được biên lai, Thẩm phán thụ lý vụ án và ghi vào sổ thụ lý.

    Bước 4. Chuẩn bị xét xử sơ thẩm:

    Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm không quá 04 tháng, vụ án phức tạp được gia hạn không quá 02 tháng (theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

    Bước 5. Xét xử sơ thẩm:

    Nếu vụ án không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử.

    Sau khi xét xử có thể xảy ra một số trường hợp như: Kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

    Nếu không có kháng cáo, kháng nghị hoặc giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì bản án sẽ có hiệu lực. Ngay cả khi bản án có hiệu lực thì không phải trường hợp nào người thua kiện cũng tự nguyện chấp hành mà phải yêu cầu thi hành án (nộp phí thi hành án và đề nghị cơ quan thi hành án dân sự thi hành bản án)

    Cách tính tiền án phí khi khởi kiện tranh chấp phân chia di sản thừa kế:

    Nếu không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tạm ứng án phí thì người khởi kiện phải nộp tạm ứng án phí; nếu không nộp tạm ứng án phí thì Tòa sẽ không thụ lý đơn. Mặt khác, sau khi xét xử thì người thua kiện là người nộp án phí (được quy định rõ trong bản án).

    Theo quy định của pháp luật dân sự, trong vụ án chia di sản thừa kế, án phí được xác định dựa trên giá trị phần tài sản mà các bên đương sự được chia trong khối di sản thừa kế. Cụ thể, mức án phí dân sự sơ thẩm khi khởi kiện chia di sản thừa kế có thể được xác định như sau:

    - Mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung hoặc trong khối di sản thừa kế trong trường hợp các bên đương sự không xác định được phần tài sản của mình hoặc mỗi người xác định phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản của mình trong khối di sản thừa kế là khác nhau và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó.

    - Người khởi kiện chia di sản thừa kế không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần Tòa án bác đơn yêu cầu, mà người yêu cầu chia tài sản chung, di sản thừa kế sẽ chịu án phí tương ứng.

    - Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch trong trường hợp Tòa án xác định tài sản chung, di sản thừa kế mà đương sự yêu cầu chia không phải là tài sản của họ.

    - Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản họ được chia, sau khi trừ đi giá trị tài sản đã thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba. Các đương sự sẽ chịu một phần án phí ngang nhau đối với phần tài sản đã thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba theo quyết định của Tòa án.

    - Người thứ ba có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập hoặc có yêu cầu nhưng yêu cầu đó được Tòa án chấp nhận sẽ không phải chịu án phí đối với phần tài sản mà họ được nhận.

    - Người thứ ba có yêu cầu độc lập nhưng yêu cầu đó không được Tòa án chấp nhận sẽ phải chịu án phí dân sự có giá ngạch đối với phần yêu cầu không được chấp nhận.

    Tạm ứng án phí và án phí được quy định rõ tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14. Theo đó, tạm ứng án phí và án phí vụ án chia thừa kế nhà đất được tính theo giá trị tài sản có tranh chấp.

     

    THÔNG TIN LIÊN HỆ

    Sau khi tham khảo bài viết của Luật CNC Việt Nam, Luật sư giỏi Sài Gòn, Luật sư giỏi Thành phố Hồ Chí Minh nếu Quý khách hàng còn vấn đề nào chưa rõ thì hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây để được tư vấn chi tiết hơn. Ngoài ra, nếu khách hàng cần tư vấn về các vấn đề pháp lý khác như xin các loại giấy phép, soạn thảo các loại hợp đồng lao động, dân sự, rà soát hợp đồngsoạn thảo các loại đơn từ, soạn hồ sơ khởi kiện, lập di chúc, khai nhận di sản thừa kế, đăng ký biến động đất đai,… thì cũng đừng ngại liên hệ với Luật sư giỏi Sài Gòn, Luật sư giỏi Thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư giỏi thừa kế nhà đất để được giải đáp mọi thắc mắc.

     

    VĂN PHÒNG GIAO DỊCH CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM

    Văn phòng 1: 15/50 Đoàn Như Hài, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh

    Văn phòng 2: 1084 Lê Văn Lương, Ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh

    Số điện thoại: 0909 642 658 - 0939 858 898 

    Website: luatsugioisaigon.vn

    Email: luatsucncvietnam@gmail.com

    Danh mục bài viết

    Bài viết mới