Trong trường hợp bản chính Giấy khai sinh bị mất và anh/chị cũng không còn bản sao nào thì anh/chị có thể thực hiện thủ tục trích lục lại giấy khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền. Trình tự, thủ tục thực hiện như thế nào, kính mời anh/chị và các bạn cùng tìm hiểu bài viết dưới đây của Luật CNC Việt Nam, Luật sư giỏi Sài Gòn, Luật sư giỏi TP. HCM nhé.
Trích lục khai sinh là gì?
Theo Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định thì giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Ngoài ra, căn cứ theo Khoản 9 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 quy định:
9. Trích lục hộ tịch là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Bản chính trích lục hộ tịch được cấp ngay sau khi sự kiện hộ tịch được đăng ký. Bản sao trích lục hộ tịch bao gồm bản sao trích lục hộ tịch được cấp từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch và bản sao trích lục hộ tịch được chứng thực từ bản chính.
Như vậy, trích lục khai sinh cũng là trích lục hộ tịch nên có thể hiểu trích lục khai sinh là văn bản mà cơ quan có thẩm quyền cấp để chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký khai sinh thì sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trích lục giấy khai sinh bản chính.
Trích lục giấy khai sinh bản sao thì bao gồm: bản sao trích lục giấy khai sinh được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch và bản sao có chứng thực từ bản chính của trích lục giấy khai sinh.
Trích lục khai sinh sẽ có đầy đủ các thông tin như giấy khai sinh và có thể sử dụng để chứng minh các thông tin như:
- Họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
- Giới tính, dân tộc;
- Quốc tịch; quê quán;
- Quan hệ cha, mẹ, con;
- Xác định người thừa kế theo luật;
- Người đại diện; người giám hộ đương nhiên;
- Năng lực hành vi dân sự theo yếu tố độ tuổi.
Trình tự, thủ tục trích lục khai sinh mới nhất
Hồ sơ chuẩn bị:
Tờ khai cấp bản sao trích lục hộ tịch (Mẫu tờ khai ban hành kèm theo Công văn 1288/HTQTCT-HT)
Giấy tờ tùy thân (hộ chiếu/CMND/thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng);
- Giấy tờ ủy quyền (Trong trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục);
+ Văn bản ủy quyền được công chứng, chứng thực theo quy định. Đối với trường hợp người được ủy quyền không phải là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người được ủy quyền.
+ Giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền. Đối với trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người được ủy quyền.
- Sổ hộ khẩu của người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch;
Cơ quan thực hiện
Theo Điều 63 Luật Hộ tịch, cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục khai sinh.
Trong đó, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 bao gồm:
Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch gồm cơ quan đăng ký hộ tịch, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan khác được giao thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Như vậy, công dân có thể xin cấp bản sao trích lục khai sinh tại
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Ngoại giao;
- Cơ quan đăng ký hộ tịch: Thông thường là Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện (nếu khai sinh có yếu tố nước ngoài).
Thủ tục để xin cấp trích lục khai sinh được thực hiện theo các bước như sau
Bước 1: Người có yêu cầu trích lục giấy khai sinh nộp hồ sơ tại Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch có thẩm quyền.
Người có yêu cầu cấp bản sao Trích lục hộ tịch trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận một cửa/Trung tâm hành chính công của Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn) hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh (https://dichvucong.---.gov.vn).
Bước 2: Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ do người yêu cầu xuất trình hoặc nộp.
- Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả;
- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người nộp hồ sơ hoàn thiện theo quy định.
Nếu hồ sơ yêu cầu cấp bản sao trích lục sau khi đã được hướng dẫn theo quy định mà không được bổ sung đầy đủ, hoàn thiện thì người tiếp nhận từ chối tiếp nhận hồ sơ. Việc từ chối tiếp nhận hồ sơ phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó ghi rõ lý do từ chối.
Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu thấy hồ sơ đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch căn cứ vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch, ghi nội dung bản sao trích lục hộ tịch, báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch ký cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.s
Lệ phí: 8.000 đồng/bản sao Trích lục/sự kiện hộ tịch đã đăng ký.
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Sau khi tham khảo bài viết của Luật CNC nếu Quý khách hàng còn vấn đề nào chưa rõ thì hãy liên hệ với văn phòng luật sư chúng tôi theo thông tin dưới đây để được tư vấn chi tiết hơn. Ngoài ra, nếu khách hàng cần tư vấn về các vấn đề pháp lý khác như xin các loại giấy phép, soạn thảo các loại hợp đồng lao động, dân sự, rà soát hợp đồng, soạn thảo các loại đơn từ, soạn hồ sơ khởi kiện, lập di chúc, khai nhận di sản thừa kế, đăng ký biến động đất đai,… thì cũng đừng ngại liên hệ với chúng tôi để được giải đáp mọi thắc mắc.
VĂN PHÒNG GIAO DỊCH CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM
Văn phòng 1: 15/50 Đoàn Như Hài, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh
Văn phòng 2: 1084 Lê Văn Lương, Ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh
Số điện thoại: 0909 642 658 - 0939 858 898
Website: luatsugioisaigon.vn
Email: luatsucncvietnam@gmail.com