Để nuôi dạy được một đứa trẻ tốt, phát triển hoàn thiện, nhân cách, đạo đức, phẩm chất thiện lành… thì đó là nhờ công của cha mẹ phần lớn trong việc nuôi dạy con cái trong suốt quãng đời từ lúc mới sinh đến lúc các con trưởng thành.
Theo Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ đối với con cái như sau:
“1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.”
Như vậy, cha mẹ không chỉ phải yêu thương con, chăm lo việc học tập, giáo dục con cái thành người mà còn phải trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc con, trở thành người giám hộ hoặc đại diện cho con, và nhất là không được phân biệt đối xử với con dựa theo giới tính là nam hay nữ hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ như con riêng, con nuôi của vợ hoặc của chồng, không được lạm dụng sức lao động, không xúi giục và ép buộc con cái làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.