Bên cạnh quyền và nghĩa vụ của bên mang thai hộ thì bên nhờ mang thai hộ cũng phải có các quyền và nghĩa vụ của họ để giúp đỡ bên mang thai hộ cũng như để đảm bảo việc nhận con.
Điều 98 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:
“1. Bên nhờ mang thai hộ có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.
2. Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra. Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
3. Bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan; nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết thì con được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật đối với di sản của bên nhờ mang thai hộ.
4. Giữa con sinh ra từ việc mang thai hộ với các thành viên khác của gia đình bên nhờ mang thai hộ có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và luật khác có liên quan.
5. Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con.”
Như vậy, bên nhờ mang thai hộ với tư cách là bên không mang thai được nên nhờ một chủ thể khác mang thai hộ mình có có nghĩa vụ phải trả tất cả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế cho bên mang thai hộ. Đảm bảo sức khỏe cho bên mang thai hộ và em bé một cách tốt nhất.
Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra. Mặt khác, người mẹ nhờ mang thai hộ dù không mang thai con trong bụng nhưng vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Đây cũng là một quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ nhất là khi phụ nữ mang thai và chăm con nhỏ. Thêm nữa, từ khi con sinh ra, giữa con với các thành viên khác trong gia đình nhờ mang thai hộ có tất cả các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng dự liệu trường hợp bên nhờ mang thai hộ không nhận con từ bên mang thai hộ hoặc chậm nhận con. Trong trường hợp này, pháp luật quy định bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan; nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường.
Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết thì con được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật đối với di sản của bên nhờ mang thai hộ.
Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ phải giao con cho mình.