Vừa qua, Bộ giáo dục và đào tạo vừa ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về việc dạy thêm, học thêm và sẽ có hiệu lực vào ngày 14/02/2025. Vậy những quy định mới về mở trung tâm dạy thêm, học thêm từ ngày 14/02/2025 được quy định như thế nào. Để làm rõ vấn đề trên, kính mời anh/chị và các bạn cùng theo dõi bài viết bên dưới của chúng tôi nhé.
Quy định mới 1: quy định về Các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm:
Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) trong Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDDT quy định về các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm bao gồm:
1. Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
2. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
3. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Quy định mới thứ 2: Hình thức dạy thêm, học thêm:
Hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, có 2 hình thức dạy thêm, cụ thể như sau:
Hình thức thứ nhất: Dạy thêm, học thêm trong nhà trường
Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là hoạt động dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông (sau đây gọi chung là nhà trường) tổ chức thực hiện.
Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGDDT quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường như sau:
1. Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:
a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;
b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;
c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
2. Nhà trường tổ chức cho học sinh thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này viết đơn đăng kí học thêm theo từng môn học ở từng khối lớp (theo Mẫu số 01 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).
3. Căn cứ vào số học sinh đăng kí, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm đối với từng môn học ở từng khối lớp.
4. Việc xếp lớp, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm yêu cầu sau:
a) Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 (bốn mươi lăm) học sinh;
b) Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường;
c) Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 (hai) tiết/tuần.
5. Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường hoặc niêm yết tại nhà trường.
Hình thức thứ 2: Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là hoạt động dạy thêm, học thêm không do nhà trường quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT tổ chức thực hiện.
Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDDT quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường như sau:
1. Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:
a) Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật;
b) Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).
2. Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.
3. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).
Quy định mới thứ 3: Điều kiện thành lập trung tâm dạy thêm
Căn cứ theo quy định mới nhất tại Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT thì điều kiện để dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là bắt buộc phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Theo đó, tùy vào nhu cầu, quy mô dạy thêm, học thêm anh/chị và các bạn có thể lựa chọn loại hình đăng ký kinh doanh phù hợp theo mô hình hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp. Theo mô hình doanh nghiệp anh/chị và các bạn có thể lựa chọn một trong các loại hình doanh nghiệp sau: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp doanh, công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty Cổ phần. Đây cũng là một quy định mới so với trước đây, theo quy định trước đây thì khi tổ chức dạy thêm, học thêm sẽ xin cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm.
- Trường hợp lựa chọn thành lập hộ kinh doanh thì chủ hộ kinh doanh sẽ nộp hồ sơ tại phòng tài chính – kế hoạch thuộc UBND quận/huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở.
- Trường hợp đăng ký các loại hình doanh nghiệp khác thì nộp hồ sơ đến phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp.
Mã ngành nghề có thể đăng ký cho hoạt động dạy thêm, học thêm:
STT | TÊN NGÀNH NGHỀ | MÃ NGÀNH NGHỀ |
1 | Giáo dục tiểu học | 8521 |
2 | Giáo dục trung học cơ sở | 8522 |
3 | Giáo dục trung học phổ thông | 8523 |
4 | Giáo dục thể thao và giải trí | 8551 |
5 | Giáo dục văn hóa nghệ thuật | 8552 |
6 | Giáo dục khác chưa được phân vào đâu | 8559 |
7 | Dịch vụ hỗ trợ giáo dục | 8560 |
Đối với điều kiện nhân sự và cơ sở vật chất tại Trung tâm dạy thêm: Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về điều kiện tổ chức dạy thêm, học thêm đối với người dạy thêm, người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, những điều này đã hêt hiệu lực bởi Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT. Như vậy, hiện nay việc tổ chức trung tâm dạy thêm không bị giới hạn bởi những điều kiện về nhân sự và cơ sở vật chất mà phụ thuộc vào chất lượng tuyển chọn riêng của mỗi trung tâm. Và có thể thấy rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định những điều kiện đăng ký kinh doanh dạy thêm đơn giản hơn rất nhiều so với trước đây.
Và Những việc cần làm sau khi thành lập trung tâm dạy thêm
- Treo biển hiệu;
- Khắc dấu công ty;
- Khai thuế ban đầu;
- Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các thông tin như:
- Môn học được tổ chức dạy thêm;
- Thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp;
- Địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm;
- Danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).
- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Sau khi tham khảo bài viết của Luật CNC Việt Nam, Luật sư giỏi Sài Gòn, Luật sư giỏi Thành phố Hồ Chí Minh nếu Quý khách hàng còn vấn đề nào chưa rõ thì hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây để được tư vấn chi tiết hơn. Ngoài ra, nếu khách hàng cần tư vấn về các vấn đề pháp lý khác như xin các loại giấy phép, soạn thảo các loại hợp đồng lao động, dân sự, rà soát hợp đồng, soạn thảo các loại đơn từ, soạn hồ sơ khởi kiện, lập di chúc, khai nhận di sản thừa kế, đăng ký biến động đất đai,… thì cũng đừng ngại liên hệ với Luật sư giỏi Sài Gòn, Luật sư giỏi Thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư giỏi thừa kế nhà đất để được giải đáp mọi thắc mắc.
VĂN PHÒNG GIAO DỊCH CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM
Văn phòng 1: 15/50 Đoàn Như Hài, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh
Văn phòng 2: 1084 Lê Văn Lương, Ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh
Số điện thoại: 0909 642 658 - 0939 858 898
Website: luatsugioisaigon.vn
Email: luatsucncvietnam@gmail.com